TTO – Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhắc lại lãnh đạo TP.HCM luôn trân trọng mọi sự đóng góp, nên các bạn hãy thỏa sức chia sẻ ý tưởng để cùng góp phần giải quyết các vấn đề đang đặt ra của Thành phố.
Đích thân Chủ tịch UBND TP đã chủ trì buổi gặp với 200 HS-SV tiêu biểu TP.HCM sáng 24-10, sau lễ khánh thành Nhà văn hóa Sinh viên tại ĐH Quốc gia TP.HCM.
Cuộc trao đổi thẳng thắn như ông Nguyễn Thành Phong đánh giá là tâm huyết, trách nhiệm, các vấn đề đặt ra xác đáng, cho thấy các bạn luôn khát vọng đất nước phải tốt đẹp hơn, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Chọn nhân tố con người
Bạn Huỳnh Tuấn Khương (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng TP hãy tìm kiếm những nhân tài xuất sắc tại các trường, đưa đi đào tạo, rồi bố trí vào các đơn vị nhà nước để phát huy khả năng, sự sáng tạo của họ để không bỏ sót tài năng.
Nhìn từ góc độ trường đào tạo nghề, bạn Phạm Minh Thơ (Trường CĐ công nghệ Thủ Đức) nói nhiều bạn HS-SV học nghề sau thời gian thực tập tại doanh nghiệp hầu hết đều được tuyển dụng ngay. “TP có tận dụng ngay nguồn nhân lực lành nghề này cho mục tiêu phát triển TP không vì họ đều được đào tạo bài bản, có thể hành nghề ngay?” – Thơ đặt vấn đề.
Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm khẳng định TP khá đủ các chính sách thu hút sinh viên giỏi, nhà khoa học trẻ và trường hợp nào đáp ứng tiêu chuẩn đều đưa vào chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. “Các bạn khi cần thông tin hãy liên lạc với sở, chúng tôi sẽ giải đáp mọi thắc mắc của các bạn” – ông Lắm nói.
Nhìn góc khác, bạn Lê Thanh Bình (Học viện Hành chính quốc gia tại TP.HCM) nói tỉ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, 3 ,4 của TP ở mức 41% là chưa tương xứng tiềm năng, nguồn lực TP hiện có.
Theo Bình, song song với đào tạo CNTT cho cán bộ công chức cũng cần giúp người dân hiểu quy trình, dần làm quen với thực hiện dịch vụ công trực tuyến vì “có dịch vụ tốt mà dân không dùng thì không được”.
Bạn Đào Thị Ánh (Học viện Cán bộ TP) đề nghị giúp đội ngũ cán bộ công chức ở xã, nhất là những bạn trẻ tiếp cận, ứng dụng công nghệ do nhiều người vẫn chỉ quen thủ tục bàn giấy. Ông Trương Văn Lắm thừa nhận vẫn chưa bỏ được thói quen của người dân là mang hồ sơ đến cơ quan nhà nước mới yên tâm, và sẽ phải thay đổi để hạn chế tiếp xúc, tránh tiêu cực không đáng.
TP.HCM rất đặc biệt nên mỗi người dù ở đâu đến đây cần mang tinh thần làm chủ, có trách nhiệm đóng góp, xây dựng TP chứ không chỉ vì kinh tế, lấy đi, mang về quê là đủ.
SV TRẦN CÔNG HẬN (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Đổi mới sáng tạo không ngừng
Câu chuyện đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm tại buổi gặp. Các bạn đề xuất TP cần có cơ sở dữ liệu dùng chung, có kênh kết nối cộng đồng khởi nghiệp và dữ liệu về khởi nghiệp của TP để giới thiệu đến các doanh nghiệp và giúp chính các bạn khởi nghiệp biết họ đang ở đâu, có thể làm được gì khi có ý tưởng, dự án.
3 đặt hàng của ông chủ tịch
Tại cuộc gặp, ông Nguyễn Thành Phong đã có ba đặt hàng cụ thể:
Mỗi bạn phải chủ động học tập, rèn luyện, tích lũy kỹ năng cần thiết, ngoại ngữ, tham gia hoạt động xã hội, hoạt động Đoàn – Hội để giỏi chuyên môn và làm gương sáng trong cộng đồng.
Cố gắng đưa ý tưởng, hiện thực hóa ý tưởng vào thực tiễn cuộc sống. Thành đoàn, Hội Sinh viên TP rà soát và đề xuất cơ chế kịp thời sao cho phải hỗ trợ các bạn tốt hơn.
Các bạn thỏa sức suy nghĩ, chia sẻ ý tưởng cùng giải bài toán hạ tầng đô thị, giao thông và nhiều vấn đề khác, cùng lãnh đạo TP tìm ra đáp số hiệu quả cho sự phát triển của TP.
Bạn Phan Công Đức (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) mong có chính sách hỗ trợ phát triển dự án của sinh viên sau khi đoạt giải cao các cuộc thi khởi nghiệp, nếu không sẽ khó đi vào thực tế. Bạn Linh Tuyền (Trường ĐH Khoa học tự nhiên) nói nhiều đầu sách khoa học quốc tế giá trị nhưng lại vượt quá túi tiền sinh viên và đề nghị TP có thư viện trang bị những loại sách này.
Lắng nghe, ông Nguyễn Thành Phong giao Thành đoàn làm đề án, TP sẽ hỗ trợ một thư viện thông minh đáp ứng nhu cầu này. Ông Phong kể: Khu công nghệ cao TP có năng suất lao động gấp 30 lần so với mặt bằng chung cả nước, khi đi làm việc tại một số nước thấy đã có trung tâm đổi mới sáng tạo ngay tại trường ĐH. “Đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ phải là động lực, then chốt cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững của TP. Nhà văn hóa Sinh viên xem xét bổ sung xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo tại đây” – ông Phong nói.
Chủ tịch UBND TP tâm đắc các kiến nghị có ứng dụng du lịch cho TP, cơ sở dữ liệu dùng chung, xây ý thức giữ môi trường chung… được nhiều bạn nêu tại buổi gặp. “Thực hiện đề án đô thị thông minh, liên kết tốt hơn giữa nhà trường – doanh nghiệp – chính quyền, cải cách hành chính hiệu quả… chính là những điều mà mỗi bạn trẻ suy nghĩ, chuẩn bị sẵn sàng ngay từ quá trình học vì các bạn chính là tương lai của TP, là tác giả thực hiện thành công các đề án đó” – ông Phong phát biểu.
Khánh thành “ngôi nhà chung” của sinh viên
Nhà văn hóa Sinh viên tại ĐH Quốc gia TP.HCM đã chính thức đi vào hoạt động trên khu đất 3,55ha, có diện tích xây dựng 30.000m², kinh phí dự trù 420 tỉ đồng do Thành ủy, UBND TP quyết định xây tặng.
Chủ tịch UBND TP dặn mỗi cán bộ của nhà văn hóa am hiểu nhu cầu văn hóa đa dạng của sinh viên để luôn tổ chức được hoạt động mới lạ, đủ sức hấp dẫn sinh viên. Cạnh đó, thường xuyên đổi mới hoạt động, sử dụng, bảo trì đúng chức năng cơ sở vật chất, quan tâm xã hội hóa hoạt động, chuẩn bị đội ngũ đủ mạnh đảm đương nhiệm vụ. “Nhà văn hóa Sinh viên phải làm tốt chức năng bồi dưỡng tâm hồn, khơi gợi sáng tạo của sinh viên” – ông Phong nhấn mạnh.
Theo: Quốc Linh – Tuổi Trẻ Online.