Lấy mốc từ ngày 4-9-1975, đến nay sau 45 năm trưởng thành, Nhà văn hóa Thanh niên (NVHTN) TP.HCM hướng đến như một điểm hẹn tuổi trẻ với không gian mang dáng dấp hiện đại và chuyển động cùng nhu cầu giới trẻ.
Những lớp học kỹ năng, khóa học vẽ tranh, cắm hoa tại không gian tuổi trẻ sáng tạo Youth space luôn thu hút các bạn trẻ – Ảnh: Q.L.
“Chúng tôi cố gắng tiệm cận với cái mới vì nhận ra nhu cầu giữa các bạn trẻ với sự vận hành của nhà văn hóa có khoảng cách lớn, nếu không thu ngắn lại sẽ bị quên ngay” – Anh NGUYỄN HỒNG PHÚC (giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên)
Gần 18h, tiếng nhạc vang lên, những lớp học bắt đầu sáng đèn chờ đón học viên đã trở thành thông lệ ở đây mỗi ngày. Dẫn khách dạo một vòng, giám đốc NVHTN Nguyễn Hồng Phúc không giấu vẻ tự hào khi khoe những không gian mới được cải tạo trên nền nguyên bản không thay đổi của ngôi nhà đã hiện diện cùng tuổi trẻ TP hàng chục năm qua.
Khoác chiếc áo mới
Ấy là không gian tuổi trẻ sáng tạo Youth space, không gian sảnh piano, nhà triển lãm tác hại của ma túy, khu vực dành cho sinh hoạt câu lạc bộ, đội nhóm, và cả không gian cà phê bóng đá… tất cả đều khoác chiếc áo mới trẻ trung, năng động hơn so với trước đây!
Ngay sảnh từ cổng chính vào, các bức tường được cải tạo lại, vẽ trang trí nghệ thuật. Đặt cạnh đó là chiếc đàn piano mà ai biết chơi cứ việc ngồi vào dạo một khúc. Hai bức tường ngay mặt tiền cổng chính Nhà văn hóa Thanh niên phủ rợp màu xanh của những thân dây leo đem đến cái nhìn dịu mắt, thân thiện môi trường, xóa đi cảm giác ngột ngạt của những khối bêtông vốn dày đặc giữa trung tâm TP.
Đặt chân vào không gian tuổi trẻ sáng tạo Youth space, cảm giác đầu tiên là một khu vực khá hiện đại. Phòng học với thiết kế các dãy ghế ngồi bậc thang giúp người dạy và học tương tác gần nhau hơn, không quá nặng nề trường lớp mô phạm.
Các phòng họp ngăn bằng vách di động để khi cần sẽ dễ dàng cải tạo thành phòng lớn hơn tùy vào lượng người dùng. “Chúng tôi cho các bạn được mặc sức kê bàn, xếp ghế theo ý mình, miễn thấy thoải mái nhất khi làm việc, vui chơi trong không gian này” – anh Hồng Phúc chia sẻ.
Mà kinh phí cải tạo “ngốn” gần 5,6 tỉ đồng hoàn toàn không lấy từ ngân sách một cắc! Một doanh nhân luôn ủng hộ hoạt động của giới trẻ tặng… 4 tỉ đồng và không ràng buộc bất cứ quyền lợi quảng cáo, truyền thông nào. Gạch lót sàn hơn 900 triệu được một ông bầu bóng đá ủng hộ phần lớn, chỉ lấy một phần tượng trưng, cây xanh cũng đi xin nốt.
Thậm chí thiết kế không gian của cả nghìn mét vuông nhưng nhóm các bạn trẻ kiến trúc cũng chỉ tính công thiết kế như tặng không! Giám đốc Nguyễn Hồng Phúc khoe có phần liều khi quyết định cải tạo không gian mới như thế vì ngân sách đâu có phần chi nào cho các hạng mục này, nhưng không thể không làm.
“Một thiết chế văn hóa phục vụ giới trẻ đang chuyển động quá chậm sao có thể là nơi tìm đến lý tưởng với các bạn trẻ được. Chúng tôi quyết liệt thay đổi trên cơ sở cái nền vốn có của mình trong lúc chờ công trình được xây mới. Giới trẻ hôm nay hiện đại, họ chuyển động rất nhanh, mình không chuyển đã là không theo kịp nói gì đến đáp ứng nhu cầu” – anh Phúc tâm tư.
Nhịp sống hiện đại
Thật khó để nói rằng nơi này đã đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ TP, chí ít là góc độ thưởng thức văn hóa. Song công bằng mà nói, sự chuyển động, nỗ lực thay đổi, tự làm mới hoạt động là đáng ghi nhận.
Chị Nguyên Giang (Q.9) nói bản thân chị cùng gia đình rất yêu thích cách bài trí của lễ hội Tết Việt hằng năm tại Nhà văn hóa Thanh niên. “Cũng là hoa mai, hoa đào nhưng mỗi năm tôi lại thấy có cách trang trí khác, chưa kể có chủ đề riêng từng năm nên dù nhà xa trung tâm nhưng cả nhà tôi cũng đến tham quan, chụp hình” – chị Giang nói.
Nhưng nhịp sống thay đổi, giới trẻ thích ứng nhanh với sự chuyển động của xã hội đặt ra nhiều bài toán cả về nhân lực lẫn cơ sở vật chất của ngôi nhà tuổi trẻ này. Bạn Thanh Duy (Q.1) mong muốn có những sân chơi hiện đại, bắt kịp “trend” của giới trẻ và “phải làm ngay khi trào lưu đó đang thịnh hành, đang gây sốt, có vậy giới trẻ mới muốn tìm đến đây”.
“Mình chờ hoạt động tập trung trở lại sau khi dịch tạm ổn, mình nhớ không khí những buổi cổ vũ cho đội bóng Việt Nam ở sân 4A, nhớ lắm” – Thành Luân (sinh viên ngành du lịch, Q.3) chia sẻ. Thu Hiền (Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) bồi hồi: “Hai năm qua Nhà văn hóa Thanh niên với mình là “bến xe mùa xuân” đặc biệt, kéo mọi người lại gần nhau hơn trong không khí se lạnh ngày cuối năm chờ bước lên chuyến xe mùa xuân về sum họp bên gia đình”.
Dịch COVID-19 ập đến, mọi chương trình, hoạt động dự kiến gần như ngưng trệ. Nhà triển lãm tác hại của ma túy đã đón cả nghìn khách trong cả năm qua nhưng hiện phải hạn chế đón khách để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Có thể nói lần đầu tiên một không gian triển lãm về ma túy giúp khách tham quan có được trải nghiệm sống động qua âm thanh, phim ảnh, mẫu vật được đặt chế tác và nhập về từ nước ngoài nhìn rất giống với sản phẩm thực tế.
Dù đón sinh nhật tuổi 45 trong không khí khá trầm lắng song tinh thần là luôn sẵn sàng. Anh Nguyễn Hồng Phúc cho biết ngoài cán bộ, nhân viên chính thức, số lượng cộng tác viên theo dự án, chương trình hiện khá lớn. Có bạn là sinh viên trường quốc tế đang cộng tác tại đây theo từng dự án riêng biệt và đó cũng là nhóm đối tượng được Nhà văn hóa Thanh niên hướng đến khi mời cộng tác.
“Các phòng ban cũng được lưu ý mời các bạn lứa 9X, 10X khi tuyển cộng tác viên vì chúng tôi cần những người trẻ để có luồng gió mới cho hoạt động. Một số dự án, chương trình mới đang được hoàn thiện để khi thời điểm thuận lợi, chúng tôi sẽ ra mắt liền” – anh Phúc cho biết.
“Địa chỉ đỏ” của tuổi trẻ TP.HCM
Nhà văn hóa Thanh niên hiện nay chính là địa chỉ số 4 Duy Tân trong thời kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây vốn là “địa chỉ đỏ”, được xem là trung tâm đấu tranh chính trị của thanh niên, sinh viên, học sinh do Thành đoàn Sài Gòn – Gia Định (nay là Thành đoàn TP.HCM) lãnh đạo và hiện còn một phòng truyền thống tọa lạc trong tổng thể khuôn viên Nhà văn hóa Thanh niên lưu giữ nhiều hình ảnh, hiện vật mang giá trị lịch sử. Trên bức tường ngay mặt tiền trên đường Phạm Ngọc Thạch còn dòng chữ “4 Duy Tân – trung tâm đấu tranh công khai của tuổi trẻ thành phố thời đánh Mỹ”.
Câu lạc bộ Thanh niên ra đời năm 1975, đến năm 1979 chính thức được nâng cấp và đổi tên thành Nhà văn hóa Thanh niên cho đến nay. Hiện nay, ngôi nhà tuổi trẻ ấy vẫn được xem như một “địa chỉ đỏ” thời hiện đại với điểm hẹn của các hoạt động văn hóa nghệ thuật, giải trí, học tập sáng tạo, trau dồi kỹ năng, phát hiện và đào tạo tài năng trẻ… của lớp lớp thanh niên TP mang tên Bác.
QUỐC LINH (Tuổi Trẻ)