Home / Chưa được phân loại / Thành Đoàn – Bản hùng ca: Bùi Minh Trực – Quyết tử bảo vệ căn cứ Thanh Tuyền

Thành Đoàn – Bản hùng ca: Bùi Minh Trực – Quyết tử bảo vệ căn cứ Thanh Tuyền

Anh Bùi Minh Trực học sinh trường Kỹ thuật Cao Thắng, sinh viên Đại học Khoa học, Chính trị viên lực7 lượng vũ trang Thành Đoàn. Anh xuất thân trong một gia đình công chức, anh em đỗ đạt và làm việc trong bộ máy chính quyền Sài Gòn. Bị lộ và địch bắt lần thứ ba, anh bị đày qua các nhà tù tàn ác nhất dưới chế độ Ngô Đình Diệm như Chí Hòa, Côn Đảo. Nếm đủ các cực hình, thậm chí bị tra tấn bằng cách rất man rợ là đánh đến mức lột cả da đầu rồi cho nhỏ từng giọt nước vào chỗ bị thương hàng tuần lễ; nhưng với ý chí dũng cảm, lòng kiên trung bất khuất, anh đã bảo vệ toàn vẹn cơ sở.

Vào một buổi chiều cuối tháng 10/1965, tại Sở Lưới (Côn Đảo), trong buổi lao động khổ sai, các anh tổ chức cướp tàu thuyền và chuyến vượt đảo thành công, đưa anh cùng với 30 đồng chí về tới đất liền – vùng giải phóng Cà Mau, rồi về căn cứ Thành Đoàn ở Thanh Tuyền.

Hè năm 1967, bước vào cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ 2, Mỹ và quân Sài Gòn tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô vào vùng “Tam giác sắt”. Vào một buổi sáng cuối tháng 4 năm 1967, sau đợt ném bom rải thảm của máy bay B.52 là những loạt pháo bầy từ các cứ điểm xung quanh bắn hàng giờ vào xã Thanh Tuyền, rồi sau đó từng đàn trực thăng liên tiếp dọn bãi đổ quân xuống đồng Tà Leng. Trên bộ, xe tăng của trung đoàn thiết giáp độc lập số 11, từ đường 13 càn vào. Rừng Long Nguyên – Thanh Tuyền chìm trong lửa đạn, căn cứ của Văn phòng và Ban Quân sự Khu đoàn nằm trọn trong cuộc càn quét đó.

Vừa đặt chân xuống, vào đến bìa rừng, bị chống trả, quân Mỹ buộc phải dò dẫm từng bước trên đường tiến quân. Đoạn đường rừng dài hơn 3km chúng phải mất 2 ngày mới lần đến hướng Suối Cát – Bến Súc… Tại đây chúng phát hiện đường mòn dẫn vào căn cứ của Ban quân sự. Toán đi đầu bị trúng ngay bãi lựu đạn gài, chết và bị thương một số tên; toán đi sau dạt xuống hướng suối, vào các ruộng mía lại vướng mìn định hướng, mìn gạt, thêm một số tên nữa đền tội. Chúng cụm lại gọi pháo bắn về phía trước yểm trợ, rồi lại lò dò theo máy bay trinh sát dẫn đường tiến lên. Bám chắc chiến hào, sáu tay súng chờ địch đến gần. Loạt súng đầu tiên tiêu diệt được 5 tên Mỹ, bắn rơi tại chỗ máy bay trinh sát L.19.

Chiều xuống tiếng súng tạm yên, cùng nhau kiểm tra hầm hào, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến đấu dài ngày. Đúng như dự đoán, ngày hôm sau vẫn với bài bản cũ nhưng mật độ bom pháo dày đặc hơn, chúng rót tập trung vào một diện hẹp rồi sau đó là trực thăng bắn rốc-két rải đạn như mưa, cuộc đổ bộ những tên lính Mỹ của Sư đoàn kỵ binh bay số 1 gần trận địa hôm trước. Chúng chia làm hai cánh quân, mở thế gọng kìm, đánh từ rừng cắt ra đường 14, kẹp căn cứ Ban Quân sự vào giữa.

Chiều xuống, địch vừa rút, chúng tôi lại bám sang, chứng kiến xung quanh một khung cảnh đổ nát, tang thương, cây rừng bị chặt đứt, gãy đổ ngổn ngang. Vương vãi đâu đó những mảnh vải, bông băng, những vết máu khô còn đọng lại trên mặt đất, những vỏ đạn, bi đông nước, quần áo rách nát của lính Mỹ…

Anh Bùi Minh Trực và 4 đồng đội đã tử thương, các anh nằm dưới chíến hào với tư thế khác nhau và thân thể không toàn vẹn. Với vải đi mưa, võng nilông, tấm đắp còn lại, chúng tôi gói ghém, an táng và vĩnh biệt các anh trong đêm 28-4-1967, tức ngày thứ tư của trận càn Manhattan. Như những dũng sĩ, qua các trận càn Crimp Attemboro, Cedar Falls của Mỹ; anh đã nằm xuống trên chiến trường trong tư thế của người giải phóng quân.

Giờ đây tên anh Bùi Minh Trực được đặt cho một đường phố ở quận 8 và một ngôi trường ở quận 3. Đó là nén hương thơm đồng bào, đồng chí, bạn bè thắp lên để nhớ tới anh, người con ưu tú của Tổ quốc!

                               PHAN ANH ĐIỀN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.